Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nói chung. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.
Một cuộc khảo sát trên 1.727 học sinh THCS tại Hà Nội cho thấy, có đến hơn 25% các đối tượng học sinh có biểu hiện rối loạn về tâm thần.
Những con số này khiến nhiều người phải lo ngại. Bởi trầm cảm tuổi học đường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, thể chất của trẻ. Nếu không phát hiện kịp thời và có biện pháp hỗ trợ phù hợp sẽ làm cho bệnh càng trở nên nghiêm trọng, nguy cơ xảy ra các hậu quả đáng tiếc.
Thời gian qua, nhiều vụ việc thương tâm xảy ra do trầm cảm tuổi học đường khiến dư luận bàng hoàng và đau xót. Căn bệnh này tuy không còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng nhiều phụ huynh, người thân của trẻ vẫn băn khoăn, lúng túng khi đối diện.
Chị Trương Quỳnh Nga (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, con trai chị hiện đang học lớp 10, trước đó, con là một cậu bé rất hiếu động, hay nói, hay cười. Tuy nhiên, khoảng gần 1 năm trở lại đây, cậu bỗng trở nên trầm tính, hay gắt gỏng, luôn có suy nghĩ và phản ứng tiêu cực khi cha, mẹ, ông, bà nhắc nhở hay có điều gì đó không hài lòng về cậu. Đáng nói, cậu luôn xa lánh mọi người, không muốn gặp gỡ, nói chuyện hay ăn cơm cùng. Thấy con có những biểu hiện khác lạ như vậy, mới đầu chị Nga nghĩ, đó có thể là thay đổi về tâm sinh lý của tuổi dậy thì (hay còn gọi là khủng hoảng tuổi mới lớn).
Sau một thời gian dài, con vẫn như vậy, chị có đưa con đến gặp bác sĩ thì được bác sĩ chẩn đoán là con có dấu hiệu bị trầm cảm.
“Tôi thật sự rất lo lắng và lúng túng chưa biết nên phải đối diện với tình trạng của con như thế nào. Được bác sĩ tư vấn và tìm hiểu qua sách, báo, tôi đã gần gũi với con nhiều hơn, thường xuyên nói chuyện, tâm sự với con và giúp con giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống. Sau một vài tháng, con đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, vui vẻ hơn và cởi mở với mọi người trong gia đình hơn”, chị Nga cho hay.
Con gái chị Trần Thu Trang (Ba Đình, Hà Nội) đang học lớp 9 cũng có những biểu hiện khác lạ trong vài tháng trở lại đây, nhất là sau thời gian học online quá dài. Theo chị Trang, con chị luôn cảm thấy mệt mỏi, stress khi mà áp lực về bài vở quá nhiều. Điều này khiến con không có thời gian thư giãn, nói chuyện với bạn bè, tâm sự với người thân trong gia đình, con luôn đóng kín cửa phòng và nhốt mình cả ngày trong đó. Ngoài ra, con luôn cáu giận và có những phản ứng tiêu cực như dọa bỏ đi hay dọa tự tử nếu bố, mẹ mắng mỏ hay không đáp ứng theo mong muốn trong cuộc sống hàng ngày của em.
“Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, con sẽ bước vào kỳ thi chuyển cấp rất quan trọng, nếu tâm lý con không ổn định như hiện nay thì tôi e rằng khó có thể vượt qua được. Chúng tôi đang rất lo lắng và cố gắng gần gũi con, động viên con, tìm hiểu xem con có khúc mắc trong học tập, trong mối quan hệ bạn bè hay các mối quan hệ xã hội không để giúp con giải tỏa”, chị Trang cho biết.
Bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho hay, trầm cảm tuổi học đường có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Biểu hiện đầu tiên chỉ là stress, sang chấn về tâm lý do bị cha mẹ mắng do bị mắc lỗi gì đó nhưng cha mẹ không có kỹ năng an ủi con mà chỉ mắng mỏ, không lắng nghe, không làm bạn với con. Ngoài ra, cha, mẹ không đáp ứng được mọi yêu cầu của con, từ cái quần, cái áo, giày dép… đều có thể khiến các em bị stress. Sự căng thẳng, sang chấn tâm lý lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề, gây rối nhiễu tâm trí. Khi đã rối nhiễu tâm trí thì sẽ gây rối nhiễu về hành vi, từ đó dẫn đến trầm cảm.
Cũng theo ông An, áp lực học hành, thi cử là nguyên nhân hàng đầu khiến cho trẻ dễ rơi vào tình trạng trầm cảm tuổi học đường. Thực tế, nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng quá nhiều vào con mình và đặt ra mục tiêu quá cao cho con. Điều này khiến trẻ chịu nhiều áp lực, căng thẳng và lo lắng khi học tập, đặc biệt là đối diện với những lần kiểm tra, các kì thi. Khi kết quả học tập không đạt được như kỳ vọng của cha mẹ, sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái lo sợ. Đáng nói, nhiều phụ huynh tỏ ra thất vọng, mắng con một cách thậm tệ, điều này sẽ khiến trẻ bị tổn thương, mất dần tự tin vào bản thân, thất vọng về chính mình.
Nguyên nhân nữa mà ông An chỉ ra khiến trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm đó là nạn bạo lực học đường, bị lạm dụng, bạo lực, xâm hại tình dục. Hiện nay, tình trạng này càng gia tăng khiến nhiều học sinh trở thành nạn nhân thường xuyên bị bắt nạt, ức hiếp. Phổ biến nhất hiện nay đó chính là tình trạng công kích tinh thần bằng việc tập trung bêu xấu, nói những lời lẽ xúc phạm, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Các nạn nhân của bạo lực học đường, xâm hại thường có tâm lý muốn giấu kín mọi chuyện, luôn trong trạng thái lo lắng, bất an và hoảng sợ. Khi không nhận được sự hỗ trợ, bảo vệ của người thân, thầy cô hoặc bạn bè, trẻ sẽ dễ rơi vào trạng thái bế tắc, cảm xúc bị rối loạn, luôn ám ảnh những hành vi làm tổn thương tinh thần và thể xác.
Một yếu tố quan trọng khiến trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm đó là thiếu sự quan tâm từ gia đình. Bởi gia đình là một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và nhận thức của trẻ.
Theo nghiên cứu, nếu trẻ em được sinh sống trong gia đình hạnh phúc, được quan tâm, yêu thương sẽ có tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm rất thấp. Ngược lại, những trẻ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình thiếu sự yêu thương, quan tâm, cha mẹ thường xuyên bất hòa sẽ dễ rơi vào tình trạng trầm cảm.
Do đó, gia đình đóng vai trò cực kì quan trọng đối với suy nghĩ, hành vi và sự phát triển của trẻ.
“Cha mẹ cần tôn trọng sự riêng tư của con khi trẻ chưa sẵn sàng nói, không dò hỏi, không phán xét... Khi con mắc lỗi hay chưa đạt được điều mà cha mẹ kỳ vọng, thay vì nổi giận, các bậc cha mẹ hãy cố gắng bình tĩnh, tâm sự với con, cần quan tâm hơn đến cảm xúc, suy nghĩ của con trẻ. Cùng với đó, luôn luôn lắng nghe con, hãy là bạn thân của con, để ý xem con có thay đổi như thế nào để kịp thời khuyên giải. Giáo dục gia đình vẫn là quan trọng nhất”, ông Nguyễn Trọng An cho hay.
Theo các chuyên gia tâm lý, cũng giống như tình trạng trầm cảm ở các đối tượng khác, trầm cảm tuổi học đường cũng sẽ được áp dụng các phương pháp như sử dụng thuốc, điều trị trị liệu tâm lý, hỗ trợ cải thiện tại nhà. Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà các chuyên gia tâm lý sẽ tư vấn và lựa chọn phương pháp chữa bệnh phù hợp nhất.
Để giúp trẻ luôn vui vẻ và không rơi vào trạng thái trầm cảm thì các bậc cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ, quan tâm sẽ con giải tỏa được những khúc mắc trong cuộc sống. Những quan tâm nho nhỏ, những lời động viên an ủi sẽ giúp nạn nhân của trầm cảm học đường không bị cô độc./.