Tấm gương mẫu mực hết lòng vì học sinh thân yêu
Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta sẽ là một rừng hoa đẹp”. Đặc biệt đối với nghề giáo Bác đã dạy: “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.” “Một thầy giáo tốt như một ngọn nến- ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác”. Có một “ ngọn nến” luôn cháy như vậy suốt 26 năm qua tại một ngôi trường nhỏ bé - trường THCS Đình Xuyên - một ngôi trường nằm trên địa bàn xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. “ Ngọn nến” tôi muốn nói đến đã thắp sáng ước mơ của bao nhiêu thế hệ học trò, đó chính là cô giáo Đoàn Thúy Hòa, người đồng nghiệp của tôi.
Năm 1995, cô giáo Đoàn Thúy Hòa tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội và về công tác tại trường THCS Đình Xuyên từ đó đến nay, với vai trò là một giáo viên dạy Vật Lý- Công Nghệ. Với tinh thần ham học hỏi cô đã học thêm văn bằng 2 và tốt nghiệp trường Đại học NN- ĐHQG chuyên ngành Tiếng Anh năm 2001. Năm 2007 cô được PGD huyện Gia Lâm giao nhiệm vụ bồi dưỡng HSG cho đội tuyển huyện môn Vật Lý. Khắc phục khó khăn, nhà xa, con nhỏ ngay năm đầu tiên bồi dưỡng HSG cô cùng thầy giáo Nguyễn Hải Quân đã truyền cảm hứng và dạy dỗ các em HS đội tuyển Vật lý mang thành tích rực rỡ về cho huyện nhà với 1 giải nhất thành phố và nhiều giải khác. Từ đó đến nay rất nhiều lứa HS được cô dạy dỗ đã đạt thành tích cao trong các kì thi HSG cấp thành phố và cấp Quốc gia, đặc biệt năm học 2016-2017 trong kì thi giải vật lý qua internet cấp Quốc gia các em đội tuyển HSG huyện Gia Lâm đã đạt thành tích vang dội với 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
Cô Hòa là người sống rất nhiệt tâm và cần mẫn, đồng thời, cô cũng là một giáo viên năng nổ, nhiệt tình, mẫu mực, có trách nhiệm, luôn hết lòng vì học sinh, được mọi người nể phục. Cô cho rằng: “Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên có tâm huyết với nghề, ham học hỏi, tìm tòi các kinh nghiệm dạy học phù hợp với học sinh hiện nay đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì sự bền bỉ... bởi, các em lứa tuổi HS THCS, tinh nghịch và rất thích học hỏi người lớn. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho học sinh thì bản thân mình cũng phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, lời nói, sự giao tiếp, thái độ, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh đặc biệt là với các em học sinh... phải chuẩn mực và luôn luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Đồng thời, cô nghĩ rằng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thì người giáo viên cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc và yêu thương học sinh như con em ruột của mình. Trong những năm tháng tuổi trẻ, với nhiệt huyết và trách nhiệm của người thầy, cô Hòa luôn gần gũi với học sinh để kịp thời động viên, khuyến khích các em chăm chỉ học tập. Cô chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em để có biện pháp giáo dục phù hợp với từng học sinh trong lớp, tạo điều kiện cho các em phát huy tinh thần sáng tạo. Bên cạnh đó, cô đã kết hợp các phương pháp dạy học và vận dụng vào thực tế cuộc sống một cách tích cực, hướng dẫn các em làm việc có kế hoạch, hợp lí. Cô Hòa tâm sự: “Để giúp các em có nền móng tốt thì chúng ta phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì sau này các em trưởng thành sẽ trở thành người công dân tốt”. Bằng tâm huyết, nghị lực cô đã truyền cảm hứng cho HS trường THCS Đình Xuyên đạt thành tích cao trong các kì thi HSG các cấp môn Vật Lý. Có thể kể đến những HS tiêu biểu như em Phạm Bá Thưởng đạt giải nhất cấp TP năm 2012, em Nguyễn Đình Toàn, Phạm Công Thưởng đạt giải nhì và nhiều em đạt giải khác. Cô đã để lại tình cảm biết ơn và trân trọng của nhiều thế hệ học trò trường THCS Đình Xuyên.
Không chỉ có vậy, cô còn là một trong những tấm gương luôn đi đầu trong việc thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua của Ngành, tham gia vào các hội thi, hội thảo như: hội thi Giáo viên dạy giỏi các cấp, ,…. Tham gia tích cực, có hiệu quả phong trào đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá học sinh. Dạy học bằng các phương pháp mới như “Phương pháp bàn tay nặn bột” và các phương pháp dạy học tích cực khác nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và kĩ năng của học sinh, xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp. Để làm phong phú thêm các tiết giảng, giúp học sinh hiểu bài hơn, cô Hòa đã chủ động chuẩn bị các phương tiện dạy học phù hợp với từng phân môn. Cô sử dụng giáo án điện tử thường xuyên trong các buổi học. Các bài giảng thường xuyên đổi mới phương pháp và áp dụng linh hoạt trong từng tiết dạy. Trong những năm vừa qua, cô Hòa cùng với tổ chuyên môn tự làm được rất nhiều đồ dùng phục vụ cho công tác giảng dạy. Mỗi năm cô đều sưu tầm các loại tranh ảnh, phần mềm dạy học và soạn được rất nhiều bài giáo án điện tử bổ sung vào kho học liệu của mình cũng như kho học liệu của trường.
Trong phong trào “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cô Hòa đã lấy việc học và làm theo Bác là cơ hội để truyền tải tới học sinh những điều bản thân học được từ tấm gương đạo đức của Bác, cũng như những câu triết lý của Người thông qua việc kể chuyện về Người như : thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và sửa đổi lề lối làm việc, không chạy theo bệnh thành tích, học thật, đánh giá học sinh công bằng, khách quan. Đồng thời cô cũng rất nhiệt tình, nghiêm túc trong phong trào học tập, nâng cao trình độ, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Chính sự nhiệt tình, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia kinh nghiệm, chị được đồng nghiệp yêu thương, học sinh quý mến.
Với bề dày thành tích và những đóng góp của cô, ngày 01 tháng 1 năm 2017 cô được giao nhiệm vụ mới với cương vị cán bộ quản lý (phó Hiệu trưởng) trường THCS Đình Xuyên. Trên cương vị là một giáo viên, một nhà quản lý cô chưa bao giờ nói nặng lời với các em học sinh cũng như đồng nghiệp, tất cả đều là sự cảm thông và bao dung. Hơn 26 năm công tác tại trường, cô đã đem niềm vui đến cho bao thế hệ học trò, chắp cánh bao ước mơ đẹp đẽ của các em. Suốt từng đó năm gắn bó với nghề, cô giáo Đoàn Thúy Hòa luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có về đạo đức nghề nghiệp của một nhà giáo.Trong quá trình giảng dạy, cô đã tận dụng mọi thời điểm, truyền đạt kiến thức; truyền sự nhiệt tình, hăng say cho học sinh, bồi dưỡng cho các em phương pháp và ý chí quyêt tâm trong học tập. Không những thế, cô còn không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác giảng dạy và giáo dục học sinh một cách tốt nhất. Nhờ đó mà cô đã đào tạo được rất nhiều thế hệ học trò đạt các giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp Thành phố. Từ những kết quả đó mà cô Hòa đã nhận được rất nhiều các bằng khen, giấy khen của các cấp như:
- ¨Đạt danh hiệu “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà ” - “Cô giáo người mẹ hiền” Ngành giáo dục Gia Lâm giai đoạn 2008 – 2013.
- ¨Tháng 10/2014 được Bộ trưởng bộ GD&ĐT tặng bằng khen.
- ¨Tháng 4/2015 được chủ tịch LĐLĐ huyện khen tặng danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” huyện GL năm 2015.
- ¨Tháng 5/2015 được chủ tịch UBND huyện tặng danh hiệu GV tiêu biểu huyện Gia Lâm giai đoạn từ 2010-2015.
- ¨Tháng 10/ 2016 được chủ tịch UBND thành phố HN tặng bằng khen.
- ¨Năm 2019: được công nhận gia đình CNVCLĐ Thủ đô tiêu biểu.
Do tình hình dịch bệnh phức tạp học sinh phải nhiều lần không được đến trường. Thực hiện phương châm “ tạm dừng đến trường, không dừng học” của Bộ giáo dục và đào tạo, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên cùng nhau xây dựng, thiết kế bài giảng dạy học trực tuyến để cho học sinh tự ôn bài ở nhà. Với vai trò phụ trách chuyên môn của nhà trường cô Hòa chỉ đạo đội ngũ giáo viên nhà trường thông qua các phần mềm trực tuyến Zoom Cloud Meeting, google meet, đồng thời sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Azota, Palet .. để tăng tương tác với các em học sinh. Đây là một trong những việc làm duy trì việc học một cách hiệu quả trong thời gian tạm nghỉ phòng, tránh dịch bệnh covid-19.
Cô giáo Đoàn Thúy Hòa trong tiết dạy chuyên đề trực tuyến
Không những vậy, một điều đáng quý nữa ở cô đó là tình cảm mà cô dành cho đồng nghiệp, một sự lắng nghe chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Dù trong công việc hay trong giao tiếp với mọi người hằng ngày, người ta rất ít khi thấy cô dùng những từ mỹ miều hoặc“ đao to búa lớn”… Có khi gặp những việc căng thẳng cô vẫn giữ được thái độ và lời lẽ rất mực bình tĩnh, tự tin. Hình ảnh một người đồng nghiệpluôn vui vẻ, nhẹ nhàng, tâm lý luôn để lại ấn tượng trong lòng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Cô xác định là cán bộ quản lý cần trau dồi trên nhiều phương diện nhất là phải thành thạo về CNTT. Do vậy cô luôn tự học hỏi để không những sử dụng tốt các phần mềm dành cho CBQL, giáo viên mà còn thường xuyên tư vấn, hỗ trợ và tập huấn cho đồng nghiệp trong công tác dạy học trực tuyến
Không chỉ là một giáo viên giỏi, cô còn là một người mẹ, người vợ, người con hiếu thảo, có ý thức trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi. Năm học 2019-2020 con gái của cô là Nguyễn Hải Yến, học sinh lớp 8A trường THCS Đình Xuyên đã xuất sắc đạt giải nhất cấp huyện môn Vật Lý, năm học 2020-2021 vừa qua con lại đạt giải ba cấp thành phố môn Vật Lý. Cô cho rằng, đối với người phụ nữ để có được thành công, ngoài sự say mê với công việc còn có yếu tố quan trọng nhất là sự thông cảm và chia sẻ từ gia đình. Và chính tình yêu thương gia đình, tình cảm đồng chí, đồng nghiệp đã giúp cô vượt qua gian khó, cùng với tập thể hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Tâm sự của cô giáo trẻ, học trò cũ của cô Hòa ngày xưa giờ trở thành đồng nghiệp của chúng tôi: Đúng như những câu hát “Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em - người giáo viên nhân dân” - Giai điệu nhẹ nhàng của bài hát“ Bài ca người giáo viên nhân dân” vang lên đâu đó làm tâm hồn tôi càng thêm phơi phới. Chúng tôi - những nhà giáo trẻ đang tiếp bước con đường của các thế hệ đi trước - luôn tự nhủ sẽ noi theo tấm gương của cô - cô giáo Đoàn Thúy Hòa, luôn cố gắng hết mình vì sự nghiệp trồng người để xây dựng nền giáo dục của huyện Gia Lâm nói chung và của trường THCS Đình Xuyên nói riêng ngày một đi lên.
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, có thể khẳng định cô giáo Đoàn Thúy Hòa- Phó hiệu trưởng trường THCS Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội thật xứng đáng là một tấm gương nhà giáo mẫu mực, luôn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu./.
Người viết
Nguyễn Tiến Dũng