Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa thông báo, năm học 2023-2024, toàn thành phố sẽ có khoảng 129.210 học sinh học xong lớp 9. Trong đó, tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72 nghìn học sinh, tức là chỉ hơn một nửa có cơ hội. Chính vì thế, kỳ thi vào 10 vẫn được coi là một “cuộc đua” đầy áp lực.
1/Chưa đầy ba tháng nữa, kỳ thi vào 10 tại Hà Nội bắt đầu. Năm nay, chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72 nghìn học sinh, chiếm tỷ lệ 55,7%. Còn lại hơn 50 nghìn học sinh, các em sẽ vào các trường THPT công lập tự chủ và tư thục: chiếm tỷ lệ 23,2%. Tuyển sinh vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: chiếm tỷ lệ 7,7%. Tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: chiếm tỷ lệ 13,4%.
Cũng giống như các năm trước, bức xúc là tâm lý chung của các phụ huynh trước thực trạng chỉ tiêu vào các trường công lập ở Hà Nội thấp, dẫn tới nhiều học sinh phải đối mặt với việc trượt “tấm vé” vào trường công lập. “Ngay tại Thủ đô mà việc học hành của các cháu lại trở nên khó khăn vậy sao? Ngay từ khi vào lớp 1, các cháu cũng phải “nhồi” đến 60 học sinh một lớp. Tuyển sinh đầu cấp như vào lớp 6 thì phụ huynh phải thức cả đêm để mua hồ sơ vào trường cho con. Còn vào lớp 10, chỉ 50% học sinh được học công lập. Trong khi mọi người dân đều đóng thuế! Tình trạng này đã diễn ra liên tiếp trong nhiều năm mà chưa được giải quyết thấu đáo”, bà Nguyễn Hoài Thu, quận Cầu Giấy chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, có con năm nay thi vào THPT nói: “Chung cư mọc lên san sát, người dân ở các tỉnh nhập cư về nội đô ngày càng nhiều, nhiều khu nhà lại bỏ hoang trong khi trường học và công trình công cộng lại hiếm hoi. Rất mong lãnh đạo thành phố đầu tư cho giáo dục hơn nữa”.
“Hà Nội bao năm qua vẫn chưa đáp ứng được cơ sở vật chất cho giáo dục. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Đầu tư vào giáo dục còn quan trọng hơn cả đầu tư lát mới vỉa hè, trụ sở cơ quan hành chính. Không được học công lập thì học sinh phải dồn sang dân lập, trong khi, nhiều gia đình thu nhập thấp làm sao cho con theo học được? Vậy vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở đâu khi quyền được bảo đảm đi học lại không được “bảo đảm”?”, một cựu giáo viên sống tại quận Hoàn Kiếm kiến nghị.
2/Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, ngay cả những học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội, hệ thống các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu học tập của các em. Số còn lại sẽ theo học tại hệ thống trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Thành phố đang đẩy mạnh đầu tư, xây dựng, quy hoạch trường học. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian, lộ trình cụ thể. Một tin đáng chú ý là Hà Nội đã ban hành kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường THPT. Theo đó giai đoạn 2021-2025 sẽ xây mới 16 trường; cải tạo sửa chữa 123 trường. Ước tính, sẽ có thêm 32 nghìn học sinh được học trường công.
Liên quan đến việc ôn tập cho học sinh lớp 9 chuẩn bị cho kỳ thi vào 10, hiện các nhà trường đang triển khai cấp tốc. Cô Hồ Thuận Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), chia sẻ, thời điểm này, những băn khoăn, lo lắng của các bậc cha mẹ có con chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bởi đây là kỳ thi có tính cạnh tranh cao và cha mẹ thì luôn mong muốn con trúng tuyển vào được theo học ở môi trường tốt nhất. Tuy nhiên, lo lắng chỉ tạo thêm áp lực và không thể giúp con học tốt hơn. Cha mẹ hãy yên tâm, tin tưởng vào các thầy, cô giáo, các nhà trường.
“Giai đoạn này, cha mẹ hãy luôn đồng hành, động viên để con có tinh thần học tập thoải mái nhất, cố gắng hết sức của bản thân. Phía phụ huynh cần cập nhật điểm số các bài kiểm tra trên lớp, lắng nghe định hướng của giáo viên chủ nhiệm để chọn cho con một ngôi trường phù hợp nhất. Mỗi em học sinh đều có những sở trường riêng và cơ hội sẽ đến với các em nếu đặt đúng năng lực bản thân”, cô Yến gợi mở.