TTO - Chủng Omicron đang chiếm ưu thế, nhiều người tiêm đủ vắc xin nhưng vẫn tái nhiễm chỉ trong thời gian ngắn. Nhiều thắc mắc đặt ra: liệu vắc xin còn tác dụng với biến chủng mới không, thời gian tiêm gần có làm giảm miễn dịch tự nhiên?
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Nhiều người tái nhiễm, có người chỉ 1 tháng
Hà Nội đang là "điểm nóng" dịch COVID-19 khi những ngày qua liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất cả nước, trong đó ngày gần nhất gần 30.000 ca. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi bổ sung và nhắc lại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP trong công tác phòng chống dịch.
Nhiều người ở Hà Nội chia sẻ tình trạng tái nhiễm dù đã tiêm đủ mũi vắc xin, khoảng cách từ khi khỏi lần trước đến khi tái nhiễm rất ngắn. Chị H.L. nhiễm COVID-19 lần 1 vào ngày 24-1 với triệu chứng sốt, đau họng, mất vị, mùi. Đến ngày 5-3, chị L. tái nhiễm lần 2 với triệu chứng chảy nước mũi và không mất mùi. Dù đã tiêm 3 mũi vắc xin, nhưng tái nhiễm chỉ sau hơn 1 tháng khiến chị L. lo lắng.
Còn chị H.T.N. chia sẻ, sau khi tiêm 2 mũi vắc xin, chị mắc COVID-19. Sau khi khỏi, chị tiêm bổ sung mũi 3 nhưng sau hơn 1 tháng lại tiếp tục tái nhiễm lần 2. "Lần 2 nhiễm tôi còn cảm thấy mệt hơn lần đầu. Tôi nghĩ tiêm vắc xin quá gần nhau sẽ làm hệ miễn dịch tự nhiên không hoạt động tốt nên cơ thể mệt mỏi hơn", chị N. nói.
Tại TP.HCM, theo ghi nhận, số người tái nhiễm cũng tăng nhiều trong thời gian gần đây, cùng thời điểm biến chủng Omicron chiếm ưu thế trên địa bàn TP. Trên các hội nhóm F0 điều trị tại nhà, nhiều tài khoản chia sẻ tình trạng bản thân và người nhà bị tái nhiễm. Phần lớn đều gặp triệu chứng nhẹ nhưng cũng có người gặp triệu chứng nặng và hiếm gặp như tím tái các đầu ngón chân...
Anh L.T.P. (33 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) bị tái nhiễm COVID-19 lần 2 sau gần 3 tháng. Với 3 mũi vắc xin và đã nhiễm COVID-19 nên anh P. có chủ quan và không tuân thủ 5K mọi lúc như đi cà phê, gặp bạn bè, nói chuyện mà không mang khẩu trang.
So với lần nhiễm đầu, anh P. cho hay lần này triệu chứng nhẹ hơn nhưng phải test lần thứ 3 trong ngày thứ 5 từ khi bắt đầu triệu chứng thì test nhanh mới ra kết quả.
Vắc xin phòng COVID-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh nặng và tử vong dù biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trong cộng đồng - Ảnh: XUÂN MAI
"Nhiệm vụ" giảm mắc của vắc xin yếu hơn
Trao đổi về việc nhiều người tái nhiễm COVID-19 trong thời gian ngắn, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, cho rằng hiện nay khi biến thể Omicron xuất hiện và chiếm ưu thế khiến tỉ lệ tái nhiễm tăng cao.
Lý giải vì sao nhiều người tái nhiễm COVID-19 trong thời gian ngắn, bác sĩ Hoàng đưa ra các trường hợp: nếu đã nhiễm Delta thì có thể vẫn nhiễm Omicron. Nếu đã nhiễm Omicron BA.1 thì vẫn có thể nhiễm Omicron BA.2 như thường. Bên cạnh đó, vắc xin đang sử dụng chủ yếu dựa trên gai (gene S) của biến thể virus cũ.
"Khi Omicron xuất hiện, gene S của virus đã thay đổi. Bởi vậy, vắc xin đã sử dụng không còn nhiều tác dụng ngăn ngừa.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu vẫn chỉ ra rằng, vắc xin vẫn có tác dụng hạn chế chuyển nặng và tử vong. Thực tế triệu chứng ở đại đa số người mắc hiện nay là nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Những ngày gần đây số ca mắc tăng cao nhưng số chuyển nặng tăng không nhiều và số tử vong giảm", bác sĩ Hoàng thông tin.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết vắc xin có hiệu lực với tất cả các biến chủng của virus SAR-CoV-2, trong đó có Omicron, nhưng hiệu lực này không đồng đều.
Hiện các vắc xin phòng COVID-19 đều có hai "nhiệm vụ": ngăn ngừa nhiễm bệnh và bảo vệ chống lại bệnh nặng, tử vong; trong đó "nhiệm vụ" ngăn ngừa nhiễm bệnh tỏ ra yếu hơn.
Với riêng biến chủng mới Omicron, PGS Dũng cho hay, Omicron chứa nhiều đột biến trong gai protein, xâm nhập vào tế bào nhanh hơn và có hiện tượng "trốn thoát" vắc xin (tiêm vắc xin vẫn bị nhiễm) nhưng vẫn có hiệu quả chống chuyển nặng, tử vong.
"Kháng thể sau khi tiêm vắc xin không nằm trong bề mặt niêm mạc mũi, họng mà nằm trong máu. Khi virus đi từ mũi, họng thì chúng không bị ảnh hưởng nên dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Nhưng khi virus vào cơ thể thì đã có kháng thể nên ít làm bệnh chuyển nặng, tử vong.
Điều này giải thích vì sao nhiều người nhiễm hay tái nhiễm nhưng chủ yếu gặp triệu chứng nhẹ sau khi tiêm vắc xin", PGS Dũng phân tích.
Tiêm vắc xin quá gần có làm giảm hệ miễn dịch tự nhiên?
Đây là quan điểm khiến nhiều người băn khoăn. Chính vì vậy Việt Nam đang nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm quốc tế, xem các nước triển khai tiêm mũi 4, mũi 5… như thế nào.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho hay, theo khoa học, khi rút ngắn khoảng cách giữa các liều tiêm thì hiệu lực liều vắc xin mới sẽ không được "phát huy" hết. Thông thường, khoảng cách giữa các mũi tiêm theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì hiệu quả càng cao.
"Nếu nói vì tiêm vắc xin nhiều lần thì cơ thể yếu hơn thì không có, nhưng các lần tiêm gần nhau thì hiệu quả vắc xin ít hơn so với tiêm cách khoảng một thời gian nhất định", PGS Dũng chia sẻ.
Theo bác sĩ Hoàng, hiện thuốc kháng virus Molnupiravir hoặc Favipiravir có tác dụng với cả Omicron lẫn Delta nhưng không có tác dụng phòng lây nhiễm. Người bệnh chỉ sử dụng khi chắc chắn nhiễm SARS-CoV2 và nên dùng sớm nếu có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ chuyển nặng.
Trước bối cảnh số ca nhiễm cả nước tăng nhanh và nhiều người tái nhiễm, bác sĩ Hoàng khuyến cáo, dù tái nhiễm có triệu chứng nhẹ hơn nhưng nguy cơ trở nặng thì chưa rõ. Do đó, người bệnh nhiễm Omicron hay Delta thì cũng không nên chủ quan nhưng không sợ hãi, cần theo các hướng dẫn chính thống từ Bộ Y tế, sở y tế.