Hiện nay, tình trạng trẻ em mắc các bệnh về mắt, đặc biệt là cận thị ngày càng gia tăng, trở thành nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh.
Cận thị là một tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác và chiếm một vị trí đáng kể trong nhóm tật về thị giác, đặc biệt ở độ tuổi học đường. Đây là một dạng lỗi khúc xạ ảnh hưởng đến cơ chế hội tụ của mắt. Do nhãn cầu bị dài ra, tia sáng sẽ hội tụ trước võng mạc thay vì ngay võng mạc. Điều đó khiến người bệnh nhìn những vật thể ở gần sẽ rõ còn những vật ở xa thì lại mờ.
|
(Ảnh: Aladro) |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng trên 800 triệu người bị cận thị. Lứa tuổi học sinh (từ 7-16 tuổi) rất dễ mắc chứng cận thị, độ cận thị tiến triển càng nhanh do mức độ làm việc nhìn gần bằng mắt càng nhiều. Tỉ lệ cận thị cao ở các nước châu Á như Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc… Riêng ở Trung Quốc có hơn 80% người trẻ bị cận thị.
|
Trẻ bị cận thị ngày càng tăng cao. (Ảnh: vietnamnews) |
Ước tính ở nước ta hiện có gần 3 triệu trẻ em độ tuổi 0-15 tuổi bị mắc các tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó tỉ lệ cận thị chiếm tới 2/3, chủ yếu tập trung ở đô thị.
Ở các khu vực nông thôn và miền núi, tỉ lệ cận thị từ 15-20%. Ở khu vực này, do điều kiện y tế và vật chất khó khăn nên cận thị tiến triển nhanh và thường rất nặng, ít được chỉnh kính.
Thạc sĩ Phạm Thị Hằng – Trưởng khoa Tật khúc xạ, Bệnh viện mắt Quốc tế DND cho biết: Theo nghiên cứu của bệnh viện mắt DND tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh đeo kính ngày càng tăng và trẻ hoá xuống cả độ tuổi tiểu học. Cứ 3 – 4 em học sinh có 1 em bị cận. Tỷ lệ này ở trường chuyên, lớp chọn còn cao hơn rất nhiều, có những lớp 44 cháu thì tới 18 cháu bị tật khúc xạ. Trong đó, tật khúc xạ chủ yếu là cận thị chiếm tới 80%, loạn thị và viễn thị chỉ chiếm 15-20%".
|
(Ảnh: Thanh niên) |
Cận thị trẻ em tiến triển là do sự kết hợp của yếu tố gen và môi trường sống. Bên cạnh các yếu tố gia đình (nhà có bố mẹ, anh chị mắc tật khúc xạ), việc nhìn gần quá nhiều, sai tư thế, nằm đọc, học tập trong điều kiện ánh sáng kém ở nhà trường và gia đình, đặc biệt việc tiếp xúc quá nhiều với máy vi tính, điện thoại, tivi, máy tính bảng khiến trẻ em dễ bị cận thị.
Một thống kê cho thấy, số người mắc tật khúc xạ tại Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 30% trong tổng số bệnh nhân đến khám; tỷ lệ bệnh và mức độ cận cũng tăng lên theo cấp học của học sinh, tỷ lệ cận thị ở học sinh đầu cấp là 18%.
|
(Ảnh: Phòng khám mắt Hải Yến) |
Tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng đều gây giảm thị lực. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sau cần đưa trẻ đi khám để có phương pháp điều trị kịp thời:
- Lúc xem tivi, trẻ phải lại gần mới xem được; đọc bài hay bị nhảy hàng hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ khi đọc.
- Ở lớp trẻ phải lại gần bảng mới nhìn được; khi viết, nhiều chữ viết sai, thiếu, hoặc phải chép bài của bạn; hay cúi gần nhìn sách; hay nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi nhìn vật ở xa.
- Thường xuyên dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ; thường kêu mỏi mắt, nhức đầu, hay chảy nước mắt.
- Sợ ánh sáng hoặc bị chói mắt; không thích các hoạt động phải nhìn xa...
Hiện nay một trong những cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa cận thị hoặc để làm giảm sự tiến triển cận thị là nên tạo lập cho trẻ có thói quen chăm sóc mắt tốt. Điều này bao gồm khoảng cách nhìn gần nên được kéo ra xa và cho mắt nghỉ ngơi thường xuyên, tăng cường các hoạt động ngoài trời.
|
Tình trạng cận thị ở trẻ có thể phòng ngừa được từ việc điều chỉnh thói quen trong học tập và sinh hoạt. (Ảnh: Bệnh viện Mắt cao Thắng) |
Cách phòng ngừa tình trạng cận thị cho trẻ
- Dạy trẻ phải có tư thế ngồi học ngay ngắn; lớp học, góc học tập phải đạt đúng theo tiêu chuẩn, đủ ánh sáng.
- Không nên cho trẻ nằm hay quỳ khi ngồi học hay viết bài, học kéo dài nhiều giờ.
- Nên cho mắt nghỉ ngơi từ 5-10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc nhìn ra xa sau mỗi giờ học.
- Không nên đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính, tivi quá nhiều bởi sẽ gây mỏi mắt.
- Chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng, nên cho trẻ ăn nhiều các thực phẩm gồm các chất protein và vitamin. Khi học tập căng thẳng, càng phải chú ý bổ sung dinh dưỡng, tăng cường tập luyện thể dục, thể thao sẽ làm hạn chế cận thị.
- Khi thấy trẻ có những dấu hiệu không tốt về mắt, nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa mắt để khám và có phương pháp điều trị thích hợp.
Cận thị cũng như các bệnh khác nếu có kiến thức về bệnh có thể phòng ngừa được. Để giảm thiểu tình trạng cận thị thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa học sinh, gia đình và nhà trường.